Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây – Quả lê – chuyện xưa và nay

Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây

Phần 1: Đặc tính và cách sử dụng trái cây chữa bệnh

Quả lê – chuyện xưa và nay

Chuyện xưa kể lại rằng: Vua Đường Huyền Tông từng bị ho nhiều đờm, khó chịu trong lồng ngực, họng khô, miệng khát, giọng khản đặc, thầy thuốc trong cung chữa mãi không khỏi. Nhà vua giận lắm, ra lệnh cho ngự y trong bảy ngày phải chữa khỏi, nếu không sẽ nghiêm trị. Các thầy thuốc trong cung ăn ngủ không yên, thấp thỏm chờ ngày mất đầu. Một ngự y già lo sợ sinh ốm, nằm liệt giường. Học trò đem lê đến thăm thầy. Khi biết lý do thầy ngã bệnh, anh học trò phẫn uất định đầu độc Đường Huyền Tông, bèn bảo vợ thầy thái vụn lê, nấu kỹ thành cao, còn mình đi mua thuốc độc định đem về trộn vào để hại vua. Khi mua được thuốc độc trở về thì không thấy vợ thầy và món cao lê đâu. Thì ra bà vợ đợi lâu sốt ruột, sai con đem luôn vào cung. Nào ngờ nhà vua ăn món này xong, bệnh lại khỏi ngay. Vua vui mừng trọng thưởng cho hai thầy trò ngự y già.
Tác dụng trị ho, tiêu đờm của lê xưa nay đã được thừa nhận. Việc ăn lê giúp nhuận phổi, giáng hỏa, sinh tân dịch, dưỡng huyết, chữa khản tiếng, nhuận tràng, chữa nhọt, giã rượu với hiệu quả khá cao.
Theo phân tích khoa học, quả lê chứa protein, lipid, cenlulose, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C, đường gluco, axít acetic… Việc ăn lê thường xuyên có tác dụng tốt trong điều trị bệnh cao huyết áp, tim mạch (dẫn tới váng đầu hoa mắt, tim đập loạn nhịp, ù tai), lao phổi, viêm phế quản cấp tính. Hàm lượng vitamin, đường khá phong phú trong quả lê có tác dụng bảo vệ gan, dưỡng gan và lợi tiêu hóa khá tốt.
Do lê có tính hàn nên người bị bệnh đau lạnh bụng, đi lỏng không nên dùng; không ăn lê bị dập nát để tránh mắc bệnh đường ruột.
Các bài thuốc dùng quả lê:
– Ho khan do phế nhiệt: Lê vài quả bỏ hạt, giã nhỏ, cho đường phèn vào trong, hấp cách thủy đến khi tan đường thì ăn; thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giảm ho.
– Ho nhiều đờm lẫn máu: Lấy 1,5 kg lê bỏ hạt, ninh thành cao, cho mật ong với lượng vừa phải vào trộn đều. Mỗi lần lấy ra 2-3 thìa con hòa nước sôi uống. Thuốc có tác dụng nhuận phổi, sinh tân dịch, tan đờm.
– Ợ hơi: Lê 1 quả, đinh hương 15 hạt, đem bỏ hạt lê, cho đinh hương vào trong, bọc 4-5 lần giấy ướt, om nhừ để ăn.
– Viêm khí quản: Lê 2 quả, bột xuyên bối 10 gam, đường phèn 30 gam. Bỏ hạt lê, cho bột xuyên bối và đường phèn vào trong quả lê, hấp ăn ngày 2 lần vào sáng sớm và tối.
– Đau mắt sưng đỏ: Ngâm hoàng liên vào nước lê ép, nhỏ vào mắt ngày vài lần.
– Tiêu đờm, thông đại tiện: Dùng nước lê, nước củ ấu, nước rễ cỏ tranh, nước hạt mạch, nước ngó sen khuấy đều, uống nguội hoặc đun nóng.
– Chữa hôi miệng: Trước khi ngủ ăn 2 quả lê.
– Trẻ em bị phong nhiệt, chán ăn: Lê 3 quả rửa sạch, thái miếng, đổ 3 lít nước, đun đến khi cạn còn 1 lít, bỏ bã, đổ gạo vào nấu cháo cho trẻ ăn.
Facebook Comments Box
Rate this post

Để lại một bình luận

Lên đầu trang
0

Your Cart