Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây
Phần 1: Đặc tính và cách sử dụng trái cây chữa bệnh
Táo tàu bổ huyết, kiện tỳ
Táo tàu (đại táo) là loại cây gỗ nhỏ, rụng lá, đầu mùa hè ra hoa nhỏ màu vàng nhạt, quả hạt hình bầu dục, màu vàng tươi, khi chín màu tím sẫm. Táo tươi ăn thơm mát, có giá trị dinh dưỡng rất cao với nhiều protein, lipid, axit amin, vitamin A, B2, C, P, các nguyên tố vô cơ như canxi, phốt pho, sắt, nhôm… Phần ăn được của táo chiếm 91% trọng lượng quả, cho nhiều nhiệt lượng; đặc biệt, hàm lượng vitamin trong táo rất cao. Cứ 100 gam táo tươi có 380-600 mg vitamin, cao gấp 70-80 lần táo tây. Từ cùi thịt quả đến hạt táo, vỏ cây, rễ cây đều là những vị thuốc nổi tiếng.
Cuốn sách y học cổ nhất Trung Quốc là “Thần nông bản thảo kinh” cho biết, táo tàu có công hiệu “trị tà khí trong ngực bụng, an thần, trợ 12 đường kinh lạc, bình vị khí, thông cửu khiếu, bổ khí và tân dịch, chữa suy nhược, phù tay chân, điều hòa các vị thuốc khác, dùng lâu ngày người thấy nhẹ nhõm thanh thản, sống lâu”. Táo được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng, thường dùng điều hòa các vị thuốc, chữa suy nhược, bổ máu ở người già, yếu, sản phụ.
Tương truyền, năm Kiến An thứ 24 đời Hán Hiến Đế, một danh y là Trương Trọng Cảnh đã thống kê 58 bài thuốc dùng đại táo. Trong “Bản thảo cương mục”, Lý Thời Trân liệt kê 19 bài thuốc có đại táo. Một học giả Liên Xô (cũ) dùng máy tính điện tử nghiên cứu 588 bài thuốc Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, đã chọn ra 25 vị thuốc thường dùng nhất, trong đó đại táo xếp thứ 10. Ở nước Anh có thầy thuốc thực nghiệm chữa bệnh suy nhược cho 163 bệnh nhân, thấy tất cả những trường hợp ăn đại táo thường xuyên có tốc độ hồi phục sức khỏe nhanh hơn 3 lần so với những người chỉ dùng các loại vitamin.
Gần đây, qua đi sâu nghiên cứu, các nhà y học Trung Quốc phát hiện nhiều tác dụng của táo tàu: Bổ dưỡng sức khỏe, thúc đẩy quá trình tổng hợp protein, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Táo tàu còn có tác dụng bổ gan, tăng cường cơ bắp, hạ huyết áp, an thần, dễ ngủ, tránh hưng phấn mẫn cảm, hạn chế sự phát triển tế bào ung thư, làm tan đờm, giảm ho, cải thiện dinh dưỡng cơ tim…
Hồng táo tính bình, bổ tỳ vị. Táo tàu phối hợp với đẳng sâm, bạch truật là thuốc bổ trung, ích khí, chữa tỳ vị hư nhược. Bài thuốc “cam mạch đại táo thang” phối hợp đại táo với cam thảo, hạt mì, chữa chứng lo buồn vô cớ, thần kinh bất thường, ngồi đứng không yên, phiền muộn mất ngủ do tâm tỳ suy yếu dẫn tới âm tạng kém. Táo tàu phối hợp với cam toại có tác dụng bổ tỳ, điều hòa chức năng dạ dày. Nếu dùng với gừng tươi sẽ có tác dụng điều hòa dinh vệ và chức năng tỳ vị.
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng đại táo
– Lo lắng, mất ngủ: Táo tàu 14 quả, hành 7 củ, sắc uống.
– Tỳ vị hư nhược: Táo tàu bỏ hạt, sấy khô bằng lửa nhỏ, tán bột, trộn đều với gừng sống. Mỗi lần dùng 6 gam, ngày 2 lần uống với nước lã đun sôi.
– Đau tim đột ngột: Ô mai 1 quả, táo tàu 2 quả, hạnh nhân 7 quả, tán nhỏ. Nam giới uống với rượu, nữ giới uống với giấm.
– Dị ứng da: Táo tàu 10 quả nhai ăn, ngày 3 lần, ăn liên tục.
– Tiểu cầu trong máu giảm: Hồng táo 120 gam, vỏ nhân lạc 6 gam, sắc đặc uống, ngày 3 lần.
– Viêm gan vàng da: Táo tàu 200 gam, nhân trần 60 gam, tiêu sơn chỉ 30 gam, sắc uống ngày 2 lần (sáng, chiều).
– Phù nề toàn thân: Hồng táo 1.000 gam, đại kích 500 gam, đổ nước ninh 1 ngày đêm. Mỗi lần dùng 15 gam, ngày 2 lần (sáng, chiều).
– Ra mồ hôi trộm: Táo tàu, ô mai, rễ ma hoàng mỗi loại 10 gam, sắc uống, ngày 2 lần (sáng, chiều).
– Mẩn ngứa ở trẻ em: Hồng táo vừa đủ dùng, bỏ hạt, cho phèn chua vào sấy khô rồi tán thành bột đắp.